Cái chết Tào Chương

Năm 223, Tào Chương nhận được lệnh triệu tập của Tào Phi về kinh Lạc Dương. Ông lên đường vào kinh đô.

Tới tháng 6 năm 223, Tào Chương đột ngột qua đời ở Lữ đệ. Sử sách có những ghi chép khác nhau về cái chết của ông.

Sách Ngụy thị Xuân thu nói rằng Tào Chương đến Lạc Dương nhưng Tào Phi không cho gặp mặt, được một thời gian Tào Chương phẫn uất sinh bệnh mà qua đời[6].

Sách Ngụy Tấn thế thuyết cho rằng khi Tào Chương cùng Tào Phi đánh cờ trong lầu của Biện thái hậu, bị Tào Phi cho ăn táo có độc. Người hầu mang nước đến cho Tào Chương uống, nhưng bị Tào Phi sai đập vỡ bầu nước. Biện thái hậu vội đi chân không chạy ra giếng múc nước cho con thứ, nhưng không tìm được gàu múc. Vì vậy Tào Chương trúng độc qua đời[6].

Một bài văn khóc ông mà Tào Thực em ông viết sau cái chết của ông, có những câu:

Hiếu như Mẫn Tử,Nghĩa tựa Sâm Thương,Ôn hòa cung kính,Lấy nhu khắc cương...Vì sao vội vã?Mệnh trời không thườngĐồng minh nuốt lệTrăm quan xót thương

Các sử gia còn căn cứ vào câu "lấy nhu khắc cương" cho rằng Tào Chương lúc còn sống bị nhiều điều uẩn khúc, "đồng minh nuốt lệ" là nỗi lòng của vị chư hầu khác có địa vị và hoàn cảnh tương đồng (Tào Thực) phải nuốt lệ vào bụng không dám thổ lộ vì sự trấn áp của Tào Phi[7].

Tuy nhiên, ngoài Tào Chương được xem là chết dưới thời Tào Phi, những anh em khác, kể cả Tào Thực, đều được trọn vẹn và qua đời sau Tào Phi (226) và nhiều người cũng được phong vương. Vì vậy, các sử gia cho rằng hai giả thuyết trên của Ngụy thị Xuân thu và Ngụy Tấn thế thuyết đều chỉ là nghi án, dù Tào Phi đối xử không tốt với các em nhưng không thể kết luận chắc chắn rằng Tào Phi là thủ phạm cái chết của Tào Chương[6].